Cần có chế tài xử lý người trúng đấu giá rồi bỏ cọc

Thứ Bảy, 17/05/2025

6:48 am(VN)

-

9:48 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Cần có chế tài xử lý người trúng đấu giá rồi bỏ cọc

01/12/2023

Theo đài RFA, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, được đưa ra thảo luận tại Quốc hội ngày 28/11/2023, quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền cọc bằng 5-20% giá khởi điểm tài sản đấu giá. Đây là mức cọc bằng với quy định hiện hành trước khi sửa đổi và với mức cọc này, nhiều vụ trúng đấu giá rồi bỏ cọc đã xảy ra.


Truyền thông trong nước đưa tin, một số đại biểu Quốc hội đề nghị tăng mức tiền cọc cao hơn 5-20%, nhưng Bộ Tư pháp lại cho rằng làm vậy sẽ ít người đủ điều kiện tham gia đấu giá.


Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) kiêm Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, nhận định: “Cần quy định mức tiền cọc theo giá trị tài sản. Riêng tài sản đặc thù có thể nâng tiền cọc lên 50% giá khởi điểm. Tăng lên như vậy để tránh trường hợp mua đất đai trục lợi”.


Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, đề xuất tăng tiền cọc vì gần đây nhiều người tham gia và trúng đấu giá các lô đất hoặc biển số xe ôtô đẹp, nhưng sau đó bỏ cọc, như vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm, đấu giá thuê đảo ở hồ Xuân Hương: “Nên bổ sung chế tài để xử lý người trúng đấu giá bỏ cọc, như phạt tiền, bồi thường chi phí tổ chức đấu giá hoặc không cho tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định, thậm chí xử lý hình sự, vì trúng đấu giá rồi bỏ cọc là trục lợi”.


Liên quan dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đang được Quốc hội xem xét, chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Thông thường, nếu đấu giá thì đặt cọc bảo đảm, trường hợp đấu giá thành công rồi bỏ kết quả đấu giá thì mất cọc. Tuy nhiên, mức cọc 5% là quá thấp, đặc biệt đối với các nhóm đầu cơ đặt cọc để tạo giá ảo của một miếng đất, các cơ quan chức năng phải xem xét kỹ lưỡng thực lực của các thành phần tham gia đấu giá. Không những yêu cầu họ phải đóng tiền cọc, mà cần phải xem xét những thành phần tham gia đấu giá có năng lực tài chính hay không?”.


Vài năm gần đây, nhiều vụ trúng đấu giá với giá rất cao, nhưng sau đó lại bỏ cọc, đơn cử như vụ 4 lô đất rộng khoảng hơn 30.000m2 ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) đã được đấu giá với mức giá 37.350 tỷ đồng hồi cuối tháng 12/2021, cao gấp gần 8 lần giá khởi điểm, nhưng sau đó các công ty trúng đấu giá đều bỏ cọc.


Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phải hoàn thiện pháp luật chuyên ngành về tham gia đấu giá, nhất là năng lực tài chính. Nghiên cứu quy định người trúng đấu giá mà bỏ cọc sẽ bị cấm tham gia đấu giá, phạt hành chính hoặc phạt vi phạm hợp đồng… Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay, tránh những trường hợp trục lợi như vừa qua.


Ngày 29/11, trong ngày thứ 2 thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung từ tỉnh Long An cho rằng nên tăng tiền đặt cọc lên 20%-30% và phải nộp ngay khi có kết quả trúng đấu giá, nếu không sẽ bị loại. Tuy nhiên, theo truyền thông nhà nước, một số đại biểu khác cho rằng “bị loại” không hiệu quả với người muốn “bỏ cọc”.


Cùng ngày, khi thảo luận về “Chế tài để ngăn bỏ cọc”, nhiều ý kiến cho rằng “phải xử phạt, phạt tù, cấm tham gia đấu giá với người trúng đấu giá từ bỏ quyền mua tài sản”. Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh thuộc đoàn Bắc Giang cho rằng đây là quan hệ dân sự, sẽ khó xử lý hình sự như phạt tù./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn rfa, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage