Để biện minh cho việc tái thiết nền kinh tế Nga và giải thích cho việc không đạt được những thành công về quân sự, Putin đang tái định hình cuộc chiến theo hướng không phải là chiến đấu với Ukraine mà là với phương Tây, trong đó Ukraine chỉ đơn giản là “phiến gỗ phá thành” được dùng để tấn công Nga.
Bất chấp chiến tranh và các lệnh trừng phạt, đầu tháng 11/2023, “Triển lãm thành tựu của kinh tế quốc gia” thời Xô Viết được nâng cấp và mở cửa trở lại ở Moskva. Triển lãm gốc, được khánh thành chỉ vài tuần trước khi Đức và Nga chiếm Ba Lan năm 1939, che đậy nạn đói và sự khủng khiếp của những năm trước đó. Thay vào đó, những gian trưng bày ca ngợi sự kỳ diệu của khoa học Xô Viết và ưu điểm của tập thể hóa; một phòng bán kem đặc biệt phục vụ quần chúng và một bức tượng Stalin cao 25 mét nhìn xuống một cách đầy hào phóng. Hàng triệu người chết trong cuộc “đoạn tuyệt” quá khứ của nhà độc tài, nền kinh tế và xã hội Nga được định hình lại hoàn toàn, nhưng tất cả đều được miêu tả là sự tiến bộ thuần túy.
Phiên bản tân trang hôm nay phản ánh câu chuyện tương tự. Một đường hầm được trang bị màn hình hiện đại kể cho du khách những vinh quang của 20 năm dưới sự lãnh đạo của Vladimir Putin. Một phòng tôn vinh các vùng của Nga là Donetsk, Kherson, Lugansk và Zaporozhie, 4 khu vực mà quân đội Nga đang cố gắng chiếm từ Ukraine. Dấu hiệu duy nhất về cuộc chiến vẫn tiếp diễn là bông hoa được tạo ra từ mảnh đạn. Sự khởi đầu của cuộc chiến lớn nhất tại châu Âu kể từ năm 1945, việc tái thiết lập nhà nước cảnh sát ở Nga cũng như sự đảo ngược hoàn toàn xu hướng cải cách và phương Tây hóa thời kỳ đầu hậu Xô Viết hoàn toàn không được thể hiện.
Nó đặc biệt khác xa cú sốc và bối rối trong những ngày đầu của cuộc chiến, khi đồng ruble lao dốc, hàng trăm nghìn người bỏ chạy khỏi đất nước và biểu tình làm rung chuyển các thành phố của Nga. Kể từ đó, Putin đã thành công trong việc ổn định nền kinh tế nhờ giá dầu cao và trấn áp những người bất đồng chính kiến bằng đàn áp khốc liệt. Điều đó cho phép ông duy trì được lòng trung thành của giới tinh hoa, những người đang giúp đất nước thích nghi. Tuy nhiên, trạng thái cân bằng mới không ổn định, đặc biệt là với nền kinh tế và việc tuyển quân, và có nguy cơ tiếp tục biến động.
Những “chú cừu không ngoan”
Nhìn bề ngoài, hầu hết người Nga đều ngoan ngoãn chấp nhận cuộc chiến ở Ukraine. 2/3 số người nói với tổ chức thăm dò ý kiến Russian Field rằng đất nước đang đi đúng hướng và hơn một nửa số người nói rằng cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra hợp lý. Học giả Natalya Zubarevich cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Tôi biết rằng xã hội Nga có tính tuân thủ cao, nhưng tôi vẫn bất ngờ trước mức độ thích ứng tâm lý đáng kinh ngạc đó. Mọi người chỉ im lặng và cố gắng sống cuộc sống thông thường của mình”.
Biểu tình công khai hiếm khi xảy ra, vì những lý do hiển nhiên. Ngày 16/11/2023, Aleksandra Skochilenko, một nghệ sĩ và nhà hoạt động, đã bị bỏ tù 7 năm vì thay bảng giá trong một siêu thị ở St Petersburg bằng thông điệp phản chiến. (Một trong những thông điệp này là: “Ông cố của tôi không chiến đấu trong Chiến tranh thế giới thứ hai để Nga trở thành quốc gia phát xít và tấn công Ukraine”). Không chỉ những người theo chủ nghĩa hòa bình mới bị đàn áp: Ít nhất, đã có một nhà bất đồng chính kiến theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cụ thể là blogger Igor Girkin, một người lính về hưu, đã bị bỏ tù vì phàn nàn rằng Putin chiến đấu không đủ mạnh mẽ.
Nhưng đa số người Nga chấp nhận cuộc chiến không có nghĩa là họ nhiệt tình với nó. Một bộ phim tuyên truyền được dàn dựng vội vàng về những tên “phát xít” hèn hạ người Ukraine, tiêu tốn 2 triệu USD để thực hiện, đã thất bại ngoạn mục khi chỉ thu về 150.000 USD tại phòng vé. Bất chấp việc tuyên bố ủng hộ chiến tranh, những người trả lời cuộc thăm dò của Russian Field kiên quyết phản đối đợt tổng động viên tiếp theo, ngay cả khi chính Putin kêu gọi thực hiện. Tháng 10/2023, lần đầu tiên trong cuộc chiến, đa số người được hỏi ủng hộ đàm phán hòa bình hơn là tiếp tục giao tranh. 74% số người bày tỏ sẽ vui mừng nếu Putin ký thỏa thuận hòa bình ngay lập tức.
Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi những người càng trẻ và càng đọc nhiều tin tức từ mạng xã hội thay vì truyền hình nhà nước thì càng hoài nghi cuộc chiến. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn là những người càng giàu, học vấn càng cao thì lại càng ủng hộ cuộc chiến. Như một học giả ẩn danh người Nga giải thích trong bài báo gần đây trên ấn phẩm trực tuyến Meduza, có một nhóm lớn quan chức và doanh nhân đạt được địa vị của mình thông qua sự bảo trợ và sẽ duy trì chế độ để bảo vệ sự bảo trợ đó. Học giả này viết: “Có tới hàng triệu người như vậy, và họ phù hợp với nền kinh tế gây hấn quân sự”.
Những người như vậy phần nào cũng bị nỗi sợ hãi kiểm soát giống như những người khác. Trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến, hàng loạt cái chết bí ẩn của các doanh nhân và nhà quản lý tại các công ty nhà nước đã góp phần áp đặt lòng trung thành. Chủ tịch hội đồng quản trị Lukoil, công ty dầu khí tư nhân lớn nhất Nga, ngã từ cửa sổ bệnh viện ở Moskva và tử vong vài tháng sau khi hội đồng quản trị công ty này ra tuyên bố kêu gọi ngừng bắn. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại những ông trùm này cũng góp phần khiến tầng lớp giàu có ủng hộ cuộc chiến.
Ngoảnh mặt đi
Tuy nhiên, các công chức và doanh nhân cũng có nhiều năm kinh nghiệm triệt tiêu nghi ngờ và hợp tác với chế độ. Nhiều người đã chuyển đổi suôn sẻ từ bộ máy quan liêu của Liên Xô. Mikhail Komin, người đã khảo sát các nhà kỹ trị Nga, cho biết: “Họ được thúc đẩy không phải bởi hệ tư tưởng mà bởi lòng trung thành với tổ chức của họ, dù là ngân hàng trung ương hay bộ tài chính”. Họ coi nhiệm vụ giữ cho “con tàu” quốc gia tiếp tục hoạt động là thách thức nghề nghiệp, không phải là vấn đề về đạo đức.
Bộ trưởng Phát triển Kỹ thuật số, viễn thông và truyền thông đại chúng Nga Maksut Shadaev, 44 tuổi, là ví dụ điển hình. Ông đã làm việc tại các công ty công nghệ thông tin tư nhân trong những năm 1990, trước khi trở thành công chức để giúp xây dựng một cổng thông tin trực tuyến và ứng dụng di động hoạt động mượt mà, thân thiện với người dùng và cho phép người dân truy cập các dịch vụ công như đặt lịch hẹn với bác sĩ và đăng ký cho con em vào trường học. Hiện ông đang sử dụng những kỹ năng đó để xây dựng hệ thống được gọi là "trại giam số" - hệ thống đăng ký toàn diện giúp theo dõi nam giới đủ điều kiện nhập ngũ.
Tương tự như vậy, các doanh nghiệp Nga giúp ổn định nền kinh tế không phải vì họ yêu thích nhà nước, mà vì họ giỏi đối phó với những biến động lớn, bất ngờ và thường là tùy tiện trong hoàn cảnh của họ. Andrei Yakovlev, Đại học Harvard, người đã tiến hành một cuộc khảo sát với các doanh nhân Nga, cho biết do đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng tài chính và đấu tranh không ngừng với các quan chức tham nhũng, các doanh nhân luôn ưu tiên chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Sự biến mất của hàng nhập khẩu từ phương Tây và việc các công ty phương Tây đóng cửa mở ra cơ hội mới cho các công ty Nga. Đồng thời, việc ngân hàng trung ương áp đặt kiểm soát vốn cũng khiến các doanh nghiệp không có nhiều lựa chọn ngoài đầu tư ở Nga. Chính phủ cung cấp vốn vay và thậm chí ra lệnh cho các quan chức không làm phiền doanh nghiệp.
Tất nhiên, việc có một lượng lớn USD có được từ dầu mỏ đã và đang tràn ngập trong nền kinh tế cũng giúp ích không ít. Trong năm đầu tiên của cuộc chiến, Nga kiếm được 590 tỷ USD từ xuất khẩu, chủ yếu đến từ dầu mỏ và khí đốt. Theo tính toán của mạng lưới chuyên gia Re: Russia, con số này nhiều hơn 160 tỷ so với mức trung bình năm của thập kỷ trước đó. Trong năm thứ hai của cuộc chiến, doanh thu vẫn cao hơn mức trung bình khoảng 60 tỷ USD. Re: Russia cho rằng cuộc chiến tốn ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm - vì vậy, thu nhập tăng thêm từ dầu mỏ trang trải phần lớn chi phí tiến hành cuộc chiến.
Ngân sách chính phủ tăng 26% trong năm 2022 và sẽ tăng thêm 16% vào năm 2024. Chi tiêu quốc phòng tăng gần gấp đôi vào năm 2024, lên 6% GDP - mức cao nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Hiện nay, chi tiêu quốc phòng chiếm 1/3 tổng chi tiêu của chính phủ. Trong khi đó, chi tiêu cho y tế và giáo dục trên thực tế đang giảm. Như Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov gần đây tuyên bố: “Trọng tâm chính là đảm bảo Nga chiến thắng. Quân đội, năng lực phòng thủ, lực lượng vũ trang, máy bay chiến đấu - mọi thứ cần thiết cho mặt trận, mọi thứ cần thiết để chiến thắng đều nằm trong ngân sách”.
Những khoản chi tiêu xa hoa như vậy không thể bền vững mãi mãi. Ngân hàng trung ương đang nỗ lực kiềm chế lạm phát gia tăng, lạm phát trong quý 3/2023 là 12% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng trung ương cũng tăng lãi suất lên 15%. Trong khi đó, chính quyền buộc các nhà xuất khẩu chuyển doanh thu của mình sang đồng ruble để ngăn chặn việc đồng tiền này mất giá thêm, tránh làm trầm trọng thêm lạm phát. Theo Russian Field, khoảng 43% người Nga cho rằng tình hình kinh tế nước này sẽ xấu đi trong một hoặc hai năm tới, trong khi chỉ có 21% cho rằng kinh tế sẽ cải thiện.
Tuy nhiên, sự phồn vinh vẫn hiện hữu, đặc biệt là ở một số bộ phận của nền kinh tế và một số cộng đồng nhất định trong xã hội Nga. Alexandra Prokopenko và Pavel Luzin, thuộc tổ chức nghiên cứu Trung tâm Á-Âu Carnegie ở Nga, lập luận: “Không giống như dầu mỏ, súng ống thúc đẩy công nghiệp tăng trưởng”. Xây dựng, tiêu dùng và dịch vụ đang phát triển ở những vùng gần chiến trường hoặc có nhiều nhà máy sản xuất vũ khí. Ở vùng viễn Đông, các khoản đầu tư lớn đang được dành cho cơ sở hạ tầng để mở rộng thương mại với châu Á khi quan hệ với châu Âu gặp khó khăn.
Moskva và St. Petersburg không hưởng lợi nhiều từ trật tự mới, nhưng các khu vực công nghiệp suy tàn – khu vực trung tâm của Putin – đang sống tốt hơn so với nhiều năm trở lại đây. Tại Izhevsk, thành phố nghèo gần dãy núi Ural, nơi sản xuất súng, tên lửa và thiết bị tác chiến điện tử, mức lương trung bình tăng 25% so với trước cuộc chiến. Một siêu thị bán đồ hữu cơ, VkusVill, và một nhà hàng châu Á, Royal Rolls, mới khai trương gần đây. Tại Rostov-on-Don, tổng hành dinh của quân khu bao quanh chiến tuyến, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống chứng kiến doanh thu tăng 77%.
Vùng nội địa rộng lớn và nghèo nàn của Nga cũng được hưởng lợi từ nguồn tiền mà chính quyền cung cấp để tuyển thêm tân binh cho quân đội. Những người tình nguyện được trả khoảng 195.000 ruble mỗi tháng, gấp 4 lần mức lương trung bình mới tăng ở Izhevsk và tiền thưởng một lần khi nhập ngũ là 195.000 ruble. Gia đình những người thiệt mạng trên chiến trường cũng được nhận khoản chi trả hậu hĩnh. Vladislav Inozemtsev, nhà kinh tế học người Nga tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Ba Lan ở Vacsava, ước tính rằng gia đình của một người lính thiệt mạng sau 5 tháng phục vụ sẽ nhận được tổng cộng khoảng 15 triệu ruble, bao gồm cả lương và tiền bồi thường. Một người Nga bình thường phải mất 30 năm mới kiếm được số tiền đó. Ông Inozemtsev lập luận rằng tuổi thọ trung bình của đàn ông Nga chỉ là 65. Chế độ của Putin đang cố gắng biến việc thiệt mạng thành một lựa chọn hợp lý về mặt kinh tế.
Tuy nhiên, Nga dường như đang gặp vấn đề về nhân lực. Lệnh động viên có tính bắt buộc được công bố cách đây một năm - lần đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai - gây hoảng loạn và tức giận. Các ủy ban tuyển quân bị đốt phá và hàng trăm nghìn thanh niên trốn chạy khỏi đất nước hoặc ẩn náu ở Nga. Những người nhập ngũ khi đó hiện vẫn ở mặt trận, dù được hứa rằng chỉ phải phục vụ 6 tháng. Điều đó dẫn đến phong trào phản đối của vợ và mẹ những binh sĩ này có tên là Voina Zaebala (tạm dịch: Chiến tranh chết tiệt). Một người mẹ phàn nàn trong đoạn video được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội: “Chúng tôi không sinh con để con mình bị giết”.
Cảnh sát tích cực tìm kiếm không chỉ người trốn quân dịch mà cả người di cư từ Trung Á, những người mà họ dường như đang ép buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Gần đây, cảnh sát đột kích kho hàng của Wildberries, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất của Nga, khiến họ phải tạm dừng dịch vụ. Các cuộc đột kích cũng thường xuyên được tiến hành ở ký túc xá sinh viên.
Trong khi đó, Duma Quốc gia Nga đang chuẩn bị cho nhiều đợt động viên nữa. Độ tuổi tối đa phải nhập ngũ đã tăng từ 27 lên 30 tuổi. Thời gian các cựu quân nhân phải làm quân dự bị được kéo dài thêm 5 năm, lên 60 tuổi đối với sĩ quan cấp thấp. Luật được thay đổi để yêu cầu người sử dụng lao động phải cho nhân viên của mình đi nghĩa vụ quân sự. Như Andrey Kartapolov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga, giải thích, “Luật này được viết cho chiến tranh quy mô lớn, cho tổng động viên. Và các vị hiện đã có thể cảm nhận được bầu không khí chiến tranh quy mô lớn”.
Nhưng thiếu nhân lực không phải là vấn đề duy nhất của quân đội. Aleksandr Golts, tác giả cuốn “Cải cách quân đội và chủ nghĩa quân phiệt ở Nga”, cho rằng nước này cũng thiếu sĩ quan cấp thấp, năng lực đào tạo và trang thiết bị. Chi tiêu quân sự cao hơn nhưng rất có thể là cực kỳ kém hiệu quả. Ngành công nghiệp vũ khí Nga nổi tiếng là tham nhũng: Một số người ước tính rằng tiền “lại quả” có thể làm tăng gấp đôi chi phí mua sắm. Lao động có tay nghề cũng thiếu. Phó thủ tướng Yuri Borisov cho biết nước này cần thêm 400.000 kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin và nhà quản lý.
Đã có những thảo luận về việc nhà nước tăng cường kiểm soát nền kinh tế để hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh. Phó thủ tướng Denis Manturov giám sát việc mua sắm quân sự nói rằng việc lập kế hoạch nhà nước có thể được áp dụng lại đối với ngành công nghiệp quốc phòng. Alexander Bastrykin, người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng và là bạn đại học của Putin, gần đây cho biết: “Chúng ta đang nói về an ninh kinh tế trong điều kiện chiến tranh… Hãy đi theo con đường quốc hữu hóa các lĩnh vực chính của nền kinh tế của chúng ta”. 18 công ty lớn đã được quốc hữu hóa trong năm 2023, nhiều vụ quốc hữu hóa trong số này được thực hiện dưới danh nghĩa trả lại tài sản bị chiếm đoạt cho nhà nước. Tổng công tố báo cáo với Putin rằng tòa án đã xét xử 24.000 vụ liên quan đến việc thất thoát tài sản nhà nước.
Các công ty nhà nước đang đóng vai trò ngày càng lớn và đa dạng hơn trong đời sống ở Nga. Ví dụ, Gazprom, công ty độc quyền khí đốt thuộc sở hữu nhà nước của Nga, sở hữu một số cơ sở truyền thông. Gazprom cũng cung cấp nhân lực, trang bị và tài chính cho một số lữ đoàn quân đội. Rosneft, tập đoàn dầu mỏ quốc doanh khổng lồ, đóng tàu và giám sát một dự án nghiên cứu về các biến thể Á-Âu trong bộ gen người.
Các quan chức giám sát các đế chế khổng lồ này thường là những doanh nhân có lợi ích chồng chéo. Ví dụ, ông Manturov là thành viên hội đồng quản trị của Rostec, tập đoàn quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước. Chủ tịch Rostec là Sergei Chemezov, cựu điệp viên KGB từng làm việc cùng Putin ở Đông Đức. Gia đình Chemevoz và Manturov đồng sở hữu các bến cảng, khách sạn, bất động sản sang trọng và một trang trại nho, cùng nhiều khoản đầu tư khác.
Việc con cái của bạn bè và cộng sự của Putin nắm giữ vai trò nổi bật trong ngành công nghiệp và chính phủ đã trở thành mô hình phổ biến. Dmitry Patrushev, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, là con trai của Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia. Ekaterina Tikhonova, con gái Putin, chủ trì ủy ban của nhóm doanh nghiệp vận động hành lang về thay thế hàng nhập khẩu. VKontakte, nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất của Nga, một phần thuộc sở hữu của nhiều công ty nhà nước khác nhau và được cùng điều hành bởi con trai của Phó chánh văn phòng của Putin và cháu trai của một doanh nhân giàu có, người được cho là một trong những người thân cận Putin nhất và ủng hộ tấn công Ukraine.
Việc Nga quyết định cấm Facebook và Instagram khi bắt đầu cuộc chiến làm tăng số người dùng VKontakte lên 4 triệu chỉ sau vài tuần. VKontakte hiện có tỷ lệ truy cập là 75%, được cho là bị cơ quan an ninh giám sát chặt chẽ và là công cụ truyền bá các thông điệp ủng hộ chiến tranh. Kirill Rogov, người sáng lập Re: Russia, cho biết: “Đây là giấc mơ và mô hình lý tưởng của Putin: mọi thứ ở một chỗ, do con cháu trong nhà điều hành dưới sự giám sát của KGB”.
Anh hùng và tội ác
Để biện minh cho việc tái thiết nền kinh tế Nga và giải thích cho việc không đạt được những thành công về quân sự, Putin đang tái định hình cuộc chiến theo hướng không phải là chiến đấu với Ukraine mà là với phương Tây, trong đó Ukraine chỉ đơn giản là “phiến gỗ phá thành” được dùng để tấn công Nga. Sách giáo khoa lịch sử mới giải thích cho học sinh rằng nước Nga đã và sẽ luôn trong tình trạng chiến tranh với phương Tây. Câu chuyện này cho phép ông Putin mô tả các hoạt động hàng ngày như những chiến thắng. Ông tự hào phát biểu nhân dịp kỷ niệm cuộc chiến: “Việc tạo điều kiện cho các công ty Nga khai thác thị trường thành công là một chiến thắng… Việc xây dựng các nhà máy tiên tiến và nhiều cây số đường mới là một chiến thắng… Những khám phá khoa học và công nghệ mới - đây cũng là những chiến thắng”.
Cách nói như vậy cho thấy sự mâu thuẫn trong cốt lõi cách tiếp cận của Putin với cuộc chiến. Ông muốn huy động thêm nhân lực và tiền bạc cho cuộc chiến, đồng thời muốn có được sự hài lòng của người Nga bằng cách làm gián đoạn cuộc sống của họ ít nhất có thể. Khi ngày càng nhiều quyền lực và tài nguyên được phân phối lại bên trong nước Nga, mâu thuẫn này càng trở nên rõ ràng hơn. Thời điểm tồi tệ nhất của chế độ ông là hồi tháng 6/2023, khi xích mích giữa quân đội và tập đoàn lính đánh thuê Wagner, do người bạn thân của Putin là Yevgeny Prigozhin lãnh đạo, leo thang thành cuộc binh biến. Mặc dù Prigozhin nhanh chóng lùi bước và sau đó chết trong một vụ tai nạn máy bay, nhưng đó là lời nhắc nhở rằng không dễ để cân bằng các lợi ích cạnh tranh trong giới thượng lưu Nga. Khi khó khăn về kinh tế ngày càng gia tăng và tài nguyên ngày càng khan hiếm, những xung đột đó sẽ chỉ càng trở nên gay gắt./.