THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Theo Reuters, Ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN vừa ra thông cáo bày tỏ quan ngại về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông đe dọa hòa bình khu vực và kêu gọi đối thoại hòa bình giữa các bên. Thông cáo đưa ra đưa ra hôm 30/12/2023, trong bối cảnh Trung Quốc và Philippines trong những tháng cuối năm cáo buộc lẫn nhau về các vụ va chạm trên biển.
Manila đã đề cập đến sự cần thiết phải thay đổi cách tiếp cận do các nỗ lực ngoại giao đã không mang lại kết quả như mong đợi.
ASEAN có phản ứng như trên một ngày sau khi Trung Quốc thông báo bổ nhiệm cựu Tư lệnh hải quân Đổng Quân (Dong Jun) làm Bộ trưởng Quốc phòng. Hãng AFP dẫn nhận định của chuyên gia nghiên cứu Biển Đông Wen Ti Sung thuộc Đại học Quốc gia Australia cho rằng việc chỉ định ông Đổng Quân, người am tường về Biển Đông và Biển Hoa Đông, là “một tín hiệu cho thấy Trung Quốc xem Biển Đông như là một khu vực ưu tiên mới”.
Theo Khmer Times, trong bối cảnh các nước thành viên ASEAN bày tỏ lo ngại về căng thẳng gia tăng giữa Philippines và Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, Campuchia đã kêu gọi tất cả các bên liên quan kiên trì đối thoại và tránh đối đầu. Ông So Naro, đặc phái viên của Thủ tướng Campuchia Hun Manet phụ trách các vấn đề ASEAN, ngày 31/12/2023 tuyên bố nước này vẫn giữ lập trường trung lập trong tranh chấp Biển Đông: “Lập trường của Campuchia nói riêng và ASEAN nói chung là không đứng về bên nào trong cuộc xung đột giữa các siêu cường, thay vào đó là duy trì vai trò trung tâm của ASEAN”.
Việt Nam, Malaysia và Indonesia có bị Philippines “lôi kéo”?
Reuters dẫn ý kiến của Greg Poling, chuyên gia về Biển Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định rằng hành vi quấy rối của Bắc Kinh trong khu vực đã thúc đẩy Manila cùng nhiều nước Đông Nam Á khác có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở Biển Đông có thái độ cứng rắn và sự chú ý nhiều hơn nhằm chống lại hành động cưỡng ép của Bắc Kinh xung quanh các mỏ dầu khí quan trọng.
Trang mạng Diễn đàn Đông Á ngày 2/1/2024 đăng bài của Nian Peng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á của Hong Kong (RCAS), có chung nhận định rằng Manila đang nỗ lực hình thành sự liên kết với các nước láng giềng trong quá trình tham vấn Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC), tận dụng ảnh hưởng tập thể để phản đối các điều khoản có lợi cho Trung Quốc. Philippines cũng cố gắng gây áp lực buộc Trung Quốc phải nhượng bộ thông qua việc đe dọa đưa ra một COC riêng. Philippines đã đặt mục tiêu lôi kéo Việt Nam và Malaysia vào cuộc chiến chống lại Trung Quốc ở Biển Đông để củng cố vị thế thương lượng của mình. Thông qua hợp tác với các bên tranh chấp khác, Philippines cũng có ý định ngăn chặn Trung Quốc có những hành động gây hấn ở Biển Đông.
Theo Greg Poling, Chính phủ Việt Nam đang âm thầm ủng hộ những nỗ lực của Philippines. Về điểm này, Indonesia cũng có một cách nhìn tương tự. Greg Poling trông đợi có một sự liên kết chặt chẽ hơn giữa Indonesia và Philippines, thậm chí có thể có cả một sự tán thành công khai của Jakarta đối với phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường thực (PCA) sau cuộc bầu cử năm 2024 ở Indonesia.
Trong khi đó, Nian Peng cho rằng Việt Nam và Malaysia khó có thể làm theo đề xuất của Marcos Jr. về việc xây dựng một COC riêng: “Khác với Philippines, Việt Nam không có ý định khiêu khích Trung Quốc ở Biển Đông. Chiến lược của Việt Nam là áp dụng biện pháp ngoại giao để quản lý một cách thận trọng các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc mà không làm xói mòn quan hệ song phương. Trong khi đó, Malaysia từ lâu đã duy trì cách tiếp cận không đối đầu trong các tranh chấp ở Biển Đông. Kể từ khi Tổng thống Anwar Ibrahim nhậm chức vào tháng 11/2022, Malaysia đã duy trì mối quan hệ thậm chí còn chặt chẽ hơn với Trung Quốc”.
Laurent Gédéon, giảng viên trường đại học Sư phạm Lyon, lưu ý rằng kết quả cuộc bầu cử ở Đài Loan cũng sẽ có những tác động đáng kể trong khu vực thời gian tới. Ông dự báo có nhiều khả năng căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang do Trung Quốc tăng cường các hành động cưỡng ép và dọa dẫm các nước láng giềng: “Philippines đang cố gắng có một chiến lược răn đe đối với Trung Quốc để Trung Quốc giảm bớt áp lực mà nước này gây ra đối với Philippines. Trong khi đó, theo quan điểm của Trung Quốc, Philippines là một đòn bẩy để họ có thể sử dụng để gây áp lực Mỹ và cũng để đe dọa Đài Loan. Vì vậy, có khả năng, tùy thuộc vào cuộc bầu cử Tổng thống, chúng ta có thể thấy sự gia tăng căng thẳng và áp lực từ phía Trung Quốc”./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn vna tổng hợp
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved