Bài bình luận: Tìm lại tham vọng chính sách đối ngoại của Australia 

Thứ Ba, 20/05/2025

4:01 am(VN)

-

7:01 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Bài bình luận: Tìm lại tham vọng chính sách đối ngoại của Australia 

28/05/2023

Theo trang mạng của Viện Lowy, tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại hàng đầu của Australia, quốc gia Nam Bán cầu này từng đi tiên phong trên trường quốc tế. Trong suốt những năm cầm quyền của hai Thủ tướng Bob Hawke và Paul Keating, Canberra đã làm trung gian cho các thỏa thuận Hòa bình Paris, đồng sáng lập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và thúc đẩy các cuộc đàm phán về Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện và Công ước Cấm Vũ khí Hóa học. Thế nhưng giờ đây, có vẻ như mục tiêu chính sách đối ngoại bao trùm của Australia chỉ đơn thuần là “quản lý” sự cạnh tranh giữa các cường quốc.


Năm đầu tiên nắm quyền của chính phủ Công đảng do Thủ tướng Anthony Albanese lãnh đạo chắc chắn đã chứng kiến một cách tiếp cận năng động và mang tính xây dựng hơn trong chính sách đối ngoại của Canberra. Ngoại trưởng Penny Wong đã giới thiệu với thế giới hình ảnh của một nước Australia hiện đại, đa văn hóa ở cả trong và ngoài khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Quan hệ của Australia với Trung Quốc đã được cải thiện nhờ cách tiếp cận mang nhiều sắc thái hơn của Canberra, được tóm tắt bằng công thức “hợp tác trong những lĩnh vực có thể” và “không đồng thuận trong những lĩnh vực không thể”.


Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách đối ngoại của Australia không được phép che khuất nội dung thực tế của nó. Nếu mục tiêu trọng tâm của “Học thuyết Wong” non trẻ vẫn là đạt được “sự cân bằng chiến lược” trong khu vực, điều này phản ánh một cách tiếp cận bảo thủ về cơ bản đối với quan hệ quốc tế, theo đó các vấn đề về công lý, bình đẳng và công bằng quốc tế phụ thuộc vào việc theo đuổi sự cân bằng quyền lực lớn.
 

Mặc dù hết lòng bảo vệ cái gọi là “hệ thống dựa trên luật lệ” quốc tế, song chính phủ Albanese vẫn im lặng trước những bất công tiềm ẩn của nó, nhiều trong số đó là di sản của sự bóc lột thuộc địa vốn đang tiếp tục kéo dài sự bất bình đẳng giữa các nước phát triển và đang phát triển. Australia hầu như không làm gì để hỗ trợ Liên minh châu Phi có được một ghế tại G20, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Trong các thảm họa khí hậu gần đây như lũ lụt ở Pakistan, Australia cũng chỉ cung cấp rất ít sự hỗ trợ nhân đạo. Australia không có tầm nhìn cải cách cấu trúc tài chính quốc tế để tài trợ cho việc thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chính phủ Australia đã đối phó với những thách thức an ninh và phát triển hiện hữu bằng một ngân sách theo chủ nghĩa gia tăng, làm suy yếu luận điệu của Ngoại trưởng Wong về quan hệ đối tác tăng cường và bao trùm.

 

Đảng cấp tiến chính của Australia đã từ bỏ hệ thống quốc tế, từ bỏ nỗ lực sửa đổi luật pháp quốc tế và quản trị toàn cầu để ủng hộ cách tiếp cận địa chính trị phù hợp hơn với châu Âu của thế kỷ XIX. Australia hiện ủng hộ các sáng kiến “tối thiểu” linh hoạt hơn, chẳng hạn như Bộ tứ (Australia, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản), nhằm tìm cách “đối phó với những thách thức cấp bách nhất của khu vực”, theo nhận định của 4 quốc gia. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đã hiểu sai nghiêm trọng cách nền chính trị cường quốc đã xuất hiện một cách nội sinh từ “trật tự quốc tế tự do”. Bản chất loại trừ của luật pháp và các thể chế quốc tế hiện hành, được nhiều nước đang phát triển coi là công cụ cục bộ và không mang tính đại diện của quyền lực phương Tây, đã thúc đẩy sự bất mãn gia tăng. Và chính sự bất mãn này đã khiến cho các giải pháp thay thế được Trung Quốc đề xuất trở nên hấp dẫn.

 

Tuy nhiên, không thiếu các lựa chọn để cải cách trật tự quốc tế nhằm vượt qua logic “có tổng bằng 0” trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Để giải quyết các cơ cấu thiên vị của các tổ chức quốc tế, Australia có thể vận động mạnh mẽ và công khai để châu Á, châu Phi, Mỹ Latin và Thái Bình Dương có được đại diện tương xứng trong Liên hợp quốc (LHQ), Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Mặc dù Australia sẵn sàng ủng hộ việc cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ, nhưng Canberra cũng nên mở rộng và khuếch đại chiến dịch này để bao gồm các mục tiêu mới, chẳng hạn xóa bỏ thông lệ cổ xưa đáng xấu hổ của việc Mỹ lãnh đạo WB còn châu Âu lãnh đạo IMF.

 

Để giải quyết các di sản đế quốc còn sót lại, Australia nên hỗ trợ Ấn Độ trong chiến dịch kêu gọi Anh trả lại các đồ tạo tác bị đánh cắp như viên kim cương Koh-i-noor. Hồi hương cổ vật bị đánh cắp là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với nhiều người Australia bản địa và các thủ hiến bang đang bắt đầu ra dấu hiệu hành động trong trường hợp không có phản ứng mạnh mẽ của liên bang.

 

Để hành động có ý nghĩa đối với vấn đề biến đổi khí hậu đang đe dọa Thái Bình Dương, Australia nên vận động phân phối lại trên quy mô lớn Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) do IMF ban hành từ các quốc gia có thu nhập cao sang các quỹ giảm nhẹ và thích ứng với khí hậu nhắm vào các quốc gia thu nhập thấp. Australia có thể dẫn đầu bằng cách ngay lập tức cho vay phần lớn SDR không hoạt động, trị giá gần 20 tỷ USD, cho Quỹ tín thác Khả năng phục hồi và bền vững (RST) của IMF, mà hầu như không làm ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán của chính phủ.

 

Bất kỳ biện pháp nào trong số này sẽ làm tăng đáng kể tính hợp pháp của trật tự quốc tế và báo hiệu Australia sẵn sàng bảo vệ lợi ích của khu vực, ngay cả khi chúng xung đột với lợi ích của các đồng minh phương Tây. Là một quốc gia liên kết với phương Tây nằm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Australia có thể theo đuổi một chương trình nghị sự cải cách tiến bộ một cách đặc biệt hiệu quả. Tuy nhiên, cách tiếp cận theo chủ nghĩa gia tăng và dựa trên sự đồng thuận hiện nay đã thúc đẩy nhận thức rằng Australia chỉ bảo vệ lợi ích của khu vực khi thuận tiện.

 

Có lẽ thoả thuận AUKUS, được chính phủ Liên minh tại Australia ký với Anh và Mỹ, đã bóp nghẹt một chính sách đối ngoại tham vọng hơn của Canberra. Ví dụ, nếu Australia tìm cách gây áp lực buộc Anh trả lại cho Ấn Độ các đồ tạo tác bị đánh cắp, Anh có thể đe dọa trì hoãn hoặc hủy thỏa thuận AUKUS, gây nguy hiểm cho chính sách quốc phòng của Australia trong tương lai. Rốt cuộc, đó là bản chất của nền chính trị cường quốc mà Công đảng dường như quá “vô tư” khi chấp nhận./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn TTXVN

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage