Bài bình luận: Một năm cầm quyền của Thủ tướng Australia

Thứ Ba, 20/05/2025

5:11 am(VN)

-

8:11 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Bài bình luận: Một năm cầm quyền của Thủ tướng Australia

19/05/2023

Theo trang mạng abc.net.au ngày 18/5, năm đầu tiên của ông Anthony Albanese trên cương vị thủ tướng Australia sẽ kết thúc bằng chuyến thăm tới Nhật Bản. Có thể nói, trong năm cầm quyền đầu tiên, Thủ tướng Albanese đã gặt hái được những thành công chính trị ở trong nước. Tuy nhiên, những diễn biến toàn cầu không thể đoán trước, hay nói chính xác là tình trạng bất ổn toàn cầu, có thể nhanh chóng định hình lại các kế hoạch mà ông đã vạch ra và trở thành thách thức lớn nhất đối với nhà lãnh đạo Australia trong thời gian tới.

 

Còn nhớ, chỉ vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Albanese đã lên chiếc chuyên cơ dành cho thủ tướng để tham dự cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo Bộ tứ ở Tokyo (Nhật Bản). Việc tiến hành các cuộc đàm phán cấp cao với các nhà lãnh đạo của Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản là cách hoàn hảo để bỏ lại phía sau những ngày dài đen tối của sự chống đối và chuyển đổi sang công việc mới một cách suôn sẻ.

 

Ngày 21/5 tới tròn 1 năm diễn ra cuộc bầu cử ở Australia, và ông Albanese sẽ trở lại Nhật Bản. Lần này, ông sẽ tới Hiroshima - quê hương của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Cuối tuần này, Thủ tướng Albanese cũng sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 với tư cách là một trong 8 nhà lãnh đạo được nước chủ nhà mời, bên cạnh các thành viên thường trực của G7. Và lẽ ra, vào ngày 24/5 tới, ông sẽ chủ trì cuộc họp được mong đợi từ lâu của các nhà lãnh đạo Bộ tứ tại thành phố Sydney của Australia. Tuy nhiên, rạng sáng 17/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện cho Thủ tướng Albanese để báo tin xấu, rằng ông sẽ không thể đến Australia để tham dự cuộc họp mà phải quay trở lại Washington, nơi Quốc hội Mỹ đang có một cuộc đối đầu mới nhất mang tính đảng phái cao liên quan đến trần nợ công của Mỹ.

 

Mỹ đã bỏ lỡ một cơ hội          

 

Biden cần phải có mặt để giúp đạt được thỏa thuận giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đang gây chiến để tránh tình trạng vỡ nợ của chính phủ. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, một kết quả như vậy có thể gây ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu khác.        

 

Không có sự tham gia của Tổng thống Biden, Thủ tướng Albanese không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hủy hội nghị thượng đỉnh của Bộ tứ ở Sydney. Ông đã thẳng thừng chỉ trích "sự ngăn chặn và gián đoạn đang xảy ra trong nền chính trị nội bộ nước Mỹ". Sự ngăn chặn, gây gián đoạn, cực đoan đảng phái và mức độ khó đoán hiện là tình trạng bình thường ở Mỹ - đồng minh quan trọng nhất của Australia. Tình hình sẽ không được cải thiện trong 18 tháng tới trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, mà khả năng sẽ xảy ra một cuộc đối đầu khác giữa đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump. Quyết định hủy chuyến công du tới Australia của Biden có thể không hoàn toàn gây bất ngờ, nhưng cho tới cách đây 2 ngày, các quan chức Australia vẫn tin rằng ông sẽ vẫn thực hiện chuyến công du này.           

 

Mặc dù mọi người đều công khai khẳng định rằng họ hiểu quan điểm của Biden và điều đó thực sự không có gì to tát, nhưng cũng đáng để xem xét cơ hội mà Mỹ đã đánh mất. Nếu Biden đến Australia và có bài phát biểu trước Quốc hội Australia, chắc chắn ông sẽ tập trung vào tầm quan trọng của liên minh quân sự chặt chẽ hơn được “mường tượng” theo thỏa thuận AUKUS. Ông hẳn có thể đã giúp làm sáng tỏ lý do Australia mua tàu ngầm hạt nhân. Và Biden cũng có thể giải thích lý do tại sao Australia nên tiếp tục đặt niềm tin vào Mỹ. Thế nhưng, giờ đây, bài phát biểu của Tổng thống Mỹ trước người dân Australia sẽ không còn nữa.            

 

Một lời nhắc nhở đau đớn           

 

Về mặt chính thức, chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Australia đã bị "hoãn lại", và nhiều khả năng ông Biden sẽ không cắt bớt khoảng thời gian mà ông dành cho cuộc bầu cử vào năm tới để đi nửa vòng Trái Đất cho chuyến thăm cấp nhà nước tới Australia.      

 

Joe Biden không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên hủy chuyến công du Australia trong thời gian ngắn. Cựu Tổng thống Barack Obama đã làm như vậy 2 lần do các cuộc khủng hoảng trong nước trước khi cuối cùng ông cũng đến và có một bài phát biểu hùng hồn trước Quốc hội Australia. Điều này cũng không nhất thiết phản ánh cách Biden nhìn nhận Australia hoặc Thủ tướng Albanese. Biden đã mời Albanese đến thăm Washington vào cuối năm nay. Tuy nhiên, đó là một lời nhắc nhở rằng nền chính trị phân cực ở Mỹ có thể phá vỡ và làm chệch hướng chương trình nghị sự toàn cầu của một tổng thống.       

 

Biden không những hủy chuyến công du Australia, mà còn cả chuyến thăm Papua New Guinea, nơi ông sẽ ký một thỏa thuận quốc phòng quan trọng nhằm chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Và thực tế này còn cho thấy sự thụt lùi của chính Bộ tứ, vốn chỉ mới phát triển thành hội nghị thượng đỉnh hàng năm cấp lãnh đạo trong những năm gần đây. Bốn nhà lãnh đạo vẫn sẽ tham gia một cuộc họp vào cuối tuần này, trong số các phiên họp G7 (+8) khác của họ tại Hiroshima. Nhưng nó sẽ không mang ý nghĩa của một hội nghị thượng đỉnh độc lập. Quốc gia duy nhất ăn mừng kết quả đó sẽ là Trung Quốc.            

 

Năm cầm quyền đầu tiên thành công        

 

Anthony Albanese đã có một năm đầu tiên tại vị đầy thành công. Ông là thủ tướng đầu tiên trong hơn một thế kỷ củng cố thế đa số của mình trong Quốc hội bằng cách giành chiến thắng trong cuộc bầu cử phụ. Sự ủng hộ dành cho chính phủ trong các cuộc thăm dò đã tăng lên trong tất cả các lĩnh vực quan trọng. Trong nội bộ, các bộ trưởng nói chung hài lòng với cách tiếp cận có phương pháp và tập thể của Thủ tướng Albanese, đồng thời sự sẵn sàng để họ tiếp tục công việc của mình. "Năm người đứng đầu" trong Nội các – Thủ tướng Albanese, Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles, Ngoại trưởng Penny Wong, Bộ trưởng Ngân khố Jim Chalmers và Bộ trưởng Tài chính Katy Gallagher - đều đã chứng minh rằng họ xứng đáng được đứng trong nhóm hàng đầu đó.          

 

Một số người ủng hộ gần đây đã bắt đầu chia rẽ về sự cần thiết phải làm nhiều hơn liên quan đến khả năng chi trả nhà ở và giúp đỡ những người thất nghiệp, đặc biệt là các vấn đề mà Đảng Xanh, chứ không phải Liên đảng, là mối đe dọa. Tuy nhiên, bất kỳ chính phủ nào cũng phải đối mặt với một mức độ áp lực nhất định và áp lực này hiện vẫn chưa trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với Thủ tướng Albanese. Thách thức lớn nhất mà ông phải đối phó chính là tình trạng bấp bênh toàn cầu. Cuộc chiến ở Ukraine đã thúc đẩy một cuộc khủng hoảng lạm phát. Mối quan hệ với Trung Quốc có dấu hiệu “tan băng”, nhưng có những khác biệt cơ bản vẫn chưa được giải quyết, đặc biệt là về Đài Loan. Và giờ đây, đồng minh quan trọng nhất của Australia bị kìm hãm bởi "sự ngăn chặn và gián đoạn" của nền chính trị phân cực trong nước./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn ABC, TTXVN

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage