THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Những tòa nhà trung hòa carbon và những con đường rợp bóng cây hiện là trọng tâm trong kế hoạch xây dựng một thành phố kiểu mới của Australia, mang tên Bradfield. Đây là một trong những nơi có nhiệt độ cao nhất trên thế giới vào mùa Hè và phải đối mặt với nhiều nguy cơ chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Trung tâm thành phố Bradfield đang được xây dựng trên một khu đất rộng cách trung tâm thương mại Sydney khoảng 55 km về phía Tây, cạnh một sân bay quốc tế mới dự kiến sẽ khai trương vào năm 2026. Thành phố Bradfield và sân bay là một phần của Đô thị sân bay (Aerotropolis) rộng lớn với diện tích khoảng 11.000 ha.
Chính phủ liên bang đầu tư 1 tỷ AUD (0,67 tỷ USD) và hàng loạt công ty đa quốc gia đã "rót" nhiều khoản đầu tư khác cho thành phố Bradfield. Tại đây sẽ có trụ sở của các công ty công nghệ, các trường đại học và xa hơn là các căn nhà cùng nhiều tòa chung cư. Dự kiến tòa nhà đầu tiên của thành phố này sẽ được khánh thành vào năm 2024.
Quá trình xây dựng thành phố diễn ra trong bối cảnh Australia phải đối mặt với ngày càng nhiều vụ cháy rừng, lũ lụt và hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trong những năm gần đây, buộc các nhà phát triển phải tìm cách khắc phục hoặc giảm thiểu tác động của hiện tượng Trái Đất ấm lên.
Tại Bradfield, thách thức trước mắt là nhiệt độ mùa Hè khắc nghiệt. Nhiệt độ tại đây có thể cao hơn 10 độ C so với khu vực phía Đông Sydney gần biển. Vào tháng 1/2020, khi các đám cháy rừng tàn phá bờ biển phía Đông của Australia, nhiệt độ ở thị trấn Penrith, cách Bradfield khoảng 25 km, lên tới 48,9 độ C, khiến nơi đây trở thành nơi nóng nhất thế giới vào thời điểm đó.
Khu vực xây dựng thành phố Bradfield là nơi phải đối mặt với tác động nghiêm trọng của tình trạng sa mạc hóa, các loài động vật và thực vật bản địa có nguy cơ tuyệt chủng do nạn phá rừng trong nhiều năm qua. Bà Tooran Alizadeh - Phó Giáo sư tại Đại học Sydney, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu về quá trình phát triển đô thị mới ở phía Tây Sydney, nhấn mạnh việc mất đi nhiều cây xanh ở khu vực này trong những năm qua khiến nơi đây rất dễ chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Người phụ trách giám sát quá trình xây dựng và phát triển thành phố Bradfield - Tiến sĩ Sarah Hill - cho biết hiện có khoảng 37 công ty tham gia với tư cách là đối tác của Chính quyền bang New South Wales trong quá trình thiết kế và xây dựng thành phố. Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Thịnh vượng chung (CSIRO) của Australia cũng sẽ chuyển một số bộ phận đến khu vực này để góp phần phát triển thành phố.
Tiến sĩ Hill cho rằng việc thiết kế đã được các đối tác sớm thảo luận để đảm bảo thành phố có thể giải quyết bất kỳ thách thức nào đang nổi lên về khí hậu trên toàn cầu.
Các mục tiêu bền vững luôn được giám sát chặt chẽ ngay từ khi lập kế hoạch cho đến khi xây dựng Bradfield. Với việc đảm bảo sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo – bao gồm năng lượng Mặt Trời, gió, hydro và năng lượng sinh học, đồng thời tích hợp xử lý nước thải ngay từ đầu, các nhà quy hoạch kỳ vọng thành phố sẽ đảm bảo là một thành phố xanh hoàn toàn trước khi những cư dân đầu tiên chuyển đến.
Các nhà thiết kế cũng đang cân nhắc ứng dụng các thiết kế nhằm giảm thiểu nhiệt độ tác động lên mái nhà hoặc lối đi tại các khu thương mại hoặc dân cư, trong đó có việc áp dụng quy định các mái nhà phải có màu sáng để giảm hấp thụ nhiệt.
Chính phủ Australia cho biết thành phố mới Bradfield sẽ tạo ra cơ hội kinh tế lớn với các ngành công nghiệp đang nở rộ, bao gồm sản xuất tiên tiến, hậu cần, kinh doanh nông nghiệp, nghiên cứu và phát triển cũng như vô số ngành công nghiệp. Qua đó, Bradfield sẽ thúc đẩy tạo ra nhiều việc làm và cơ hội kinh tế ở vùng phía Tây Sydney, khu vực có khoảng 2,5 triệu người sinh sống và có tốc độ tăng trưởng đặc biệt ấn tượng.
Thành phố Bradfield được đặt tên nhằm vinh danh kỹ sư John Bradfield, người đã thiết kế và điều hành quá trình xây dựng Cầu Cảng Sydney, định hình phần lớn mạng lưới giao thông của Sydney và là người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ kỹ sư ở Australia./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn TTXVN
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved