Australia-New Zealand-Mỹ bàn cách chống thảm họa thiên tai ở Thái Bình Dương

Thứ Bảy, 17/05/2025

2:34 pm(VN)

-

5:34 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

  Australia-New Zealand-Mỹ bàn cách chống thảm họa thiên tai ở Thái Bình Dương

16/03/2023

Trang mạng “aspistrategist.org.au” mới đây đăng bài viết cho rằng Australia cần phối hợp với Mỹ và đồng minh để cùng hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương trong các chương trình chống lại các thảm họa thiên tai.
 

Các quan chức từ Australia, New Zealand và Mỹ đã gặp nhau tại Canberra để tham dự Đối thoại Hợp tác An ninh Thái Bình Dương ba bên thường niên lần thứ tư. Mục tiêu của cuộc đối thoại là tìm ra cách hợp tác tốt hơn và thông minh hơn trong một khu vực ngày càng có nhiều tranh chấp về địa chính trị. Đối với Thái Bình Dương, những thách thức an ninh rất nghiêm trọng. Các quốc đảo Thái Bình Dương đang phải trực tiếp đối mặt với những vấn đề biến đổi khí hậu và ngày càng dễ bị tổn thương trước thiên tai.
 

Khi Vanuatu bắt đầu chặng đường dài để phục hồi sau các cơn bão nhiệt đới Judy và Kevin, những cơn bão liên tiếp đổ bộ trong tuần qua, đây là thời điểm thích hợp để Australia, New Zealand và Mỹ thảo luận về cách cải thiện khả năng ứng phó chung đối với các thảm họa trong khu vực.
 

“Ngoại giao thiên tai” đã được thể hiện ở Vanuatu khi Australia, New Zealand, Pháp và Anh nhanh chóng đưa ra những sự hỗ trợ. Ngày 5/3, Australia điều tàu đổ bộ HMAS Canberra và New Zealand điều máy bay chuyển hàng cứu trợ. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản có hỗ trợ hay không. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược rộng lớn hơn, thảm họa thiên nhiên được coi là cơ hội để thể hiện năng lực và cam kết trong khu vực.
 

Như trong trường hợp của Tonga, phản ứng đối với các cơn bão ở Vanuatu đặt ra những câu hỏi về cách các đối tác đưa ra các hỗ trợ. Những câu hỏi này rất cấp bách vì không có cơ chế khu vực nào để điều phối hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai (HADR).
 

Điều đầu tiên liên quan đến cách các đối tác phối hợp nỗ lực của các nước Thái Bình Dương. Trong thảm họa Tongan, một đơn vị điều phối quốc tế HADR đã được thành lập tại Bộ chỉ huy tác chiến chung tại trụ sở chính của Australia (HQJOC) để điều phối sự đóng góp của Australia, New Zealand, Fiji, Mỹ, Pháp, Anh và Nhật Bản. Australia cũng phối hợp với Pháp và New Zealand theo thỏa thuận FRANZ năm 1992, thúc đẩy hợp tác 3 bên nhằm ứng phó với thiên tai và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc phòng.
 

Sự vắng mặt đáng chú ý trong bộ phận điều phối là Trung Quốc, quốc gia đã tìm cách thể hiện sự hiện diện của phản ứng nhân đạo, nhưng không phối hợp trực tiếp với các đối tác khác. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh về hỗ trợ bên bến tàu, khả năng tiếp cận đường băng và lịch trình chuyến bay, đồng thời thiết bị hỗ trợ không được kiểm soát chất lượng. 
 

Trung Quốc nhấn mạnh ý định tham gia nhiều hơn vào HADR, vốn đã từng được đưa vào hiệp ước an ninh và kinh tế khu vực được đề xuất nhưng không thành công vào năm 2022. Thành lập cơ chế hợp tác quản lý thảm họa cho các quốc đảo Thái Bình Dương, ra mắt Trung tâm các quốc đảo Trung Quốc-Thái Bình Dương cho Hợp tác Giảm nhẹ Rủi ro Thiên tai và tiểu trung tâm đề xuất Trung Quốc-Các Quốc đảo Thái Bình Dương về hợp tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai biển, tất cả đều phản ánh lợi ích của Trung Quốc trong việc thiết lập các cơ chế HADR thay thế. Điều này sẽ làm phức tạp thêm các phản ứng HADR đa phương.
 

Câu hỏi thứ hai liên quan đến việc các đối tác phối hợp hiệu quả như thế nào trong các phản ứng hỗ trợ với chính phủ Vanuatu. Như đã được biết đến từ lâu và một lần nữa đã được chứng minh trong ứng phó của Tongan và ứng phó với Bão Harold ở Vanuatu năm 2020, vai trò lãnh đạo HADR của nước này là rất quan trọng. Như Sione Taumoefolau, Tổng thư ký của Hội Chữ thập đỏ Tonga, đã lưu ý tại một hội thảo về hợp tác an ninh ở các đảo Thái Bình Dương vào tháng 11/2022, chính các tổ chức xã hội dân sự Tonga và các nhóm cộng đồng tại đây có kỹ năng và kiến thức để đảm bảo sự trợ giúp đến được nơi cần thiết.
 

Ứng phó với các cơn bão ở Vanuatu có vẻ như là một cơ hội tốt để thực hiện đề xuất này. Vanuatu có Văn phòng Quản lý Thảm họa Quốc gia phát triển tốt và có kinh nghiệm là nơi lý tưởng để đặt cơ sở của văn phòng điều phối. 
 

Các chuyên gia Wallis và Powles của Viện nghiên cứu ASPI lập luận rằng các đối tác nên đề nghị giúp đỡ Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương thành lập một trung tâm điều phối Thái Bình Dương thường trực cho HADR. Các cuộc thảo luận đang được tiến hành để phát triển khả năng này như là một phần của việc xem xét kiến trúc khu vực.
 

Điều quan trọng là bất kỳ trung tâm điều phối Thái Bình Dương nào cũng không được lặp lại động lực của các Đối tác trong sáng kiến Thái Bình Dương Xanh. Cơ chế đó đã được Australia, New Zealand, Mỹ, Nhật Bản và Vương quốc Anh đưa ra vào tháng 6/2022. Canada, Đức và Hàn Quốc tham gia sau. Nhưng sáng kiến này ban đầu đã loại bỏ Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương và chỉ tìm cách tham gia một cách muộn màng vào diễn đàn vào tháng 9.
 

Một trung tâm điều phối ở Thái Bình Dương sẽ đòi hỏi các nguồn lực, và đây là nơi các đối tác như Australia, New Zealand và các nước khác có thể đóng vai trò quan trọng nhất-cung cấp kinh phí và hỗ trợ hậu cần cho diễn đàn để thiết lập và duy trì các sáng kiến này. Rõ ràng các phản ứng HADR hiệu quả nhất là khi chính những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa lãnh đạo và thực hiện, các đối tác nên tập trung vào việc xác định các cách thức để tạo điều kiện thuận lợi cho nước bị thảm họa lãnh đạo HADR, bao gồm thông qua hỗ trợ hậu cần và chuyển tiếp các nguồn cung cấp cứu trợ trong toàn khu vực. Như chuyên gia Wallis và Powles lập luận, điều này cũng có thể có nghĩa là chính thức mở rộng các cơ chế HADR như các thỏa thuận của FRANZ và Bộ tứ để có thể bao gồm cả lực lượng ứng phó ở Thái Bình Dương./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn TTXVN

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage