Australia mở đường cho cuộc trưng cầu dân ý về quyền của người bản địa 

Thứ Tư, 21/05/2025

9:17 pm(VN)

-

12:17 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Australia mở đường cho cuộc trưng cầu dân ý về quyền của người bản địa 

20/06/2023

Ngày 19/6, Quốc hội Australia đã thông qua dự luật mở đường cho việc tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về quyền của người bản địa và cư dân tại quần đảo Torres Strait, trao cho cử tri quyền quyết định liệu người thổ dân bản địa "có tiếng nói" trong quá trình hoạch định chính sách của đất nước hay không. 


Thượng viện Australia đã thông qua dự luật nói trên với 52 phiếu thuận và 19 phiếu chống. Dự kiến, trong vài tuần tới, Thủ tướng Anthony Albanese sẽ ấn định thời điểm để tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề gây tranh cãi gay gắt này. Đây sẽ là cuộc trưng cầu ý dân đầu tiên ở Australia kể từ năm 1999, khi người dân bác bỏ việc thành lập một nước cộng hòa.
Chính phủ của Thủ tướng Albanese muốn sửa đổi hiến pháp để trao quyền cho thổ dân, vốn lâu nay chịu thiệt thòi về tình trạng sức khỏe, giáo dục và có tỷ lệ bị đối mặt với các mức án cao hơn. 


Bộ trưởng phụ trách các vấn đề thổ dân bản địa Australia Linda Burney, đồng thời là nữ chính trị gia người bản địa đầu tiên của nước này, nhận định cuộc trưng cầu ý dân sẽ là một thời khắc lịch sử của đất nước. Nếu được thông qua, người thổ dân và cư dân quần đảo Torres Strait của Australia, mà các thế hệ tổ tiên của họ đã sinh sống tại đó trong vòng ít nhất 60.000 năm qua, sẽ được hiến pháp thừa nhận quyền tham vấn chính phủ về những dự luật của đất nước ảnh hưởng đến cộng đồng của họ. 


Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy phần lớn người dân Australia sẽ bỏ phiếu ủng hộ quyền của người thổ dân. Tuy nhiên, sự ủng hộ đối với việc sửa đổi Hiến pháp này đang dao động. Một cuộc thăm dò được công bố vào tuần trước cho thấy những người phản đối cuộc trưng cầu lần đầu tiên vươn lên dẫn trước, 51% so với 49%. Để sửa đổi Hiến pháp, chính phủ phải có đa số kép trong cuộc trưng cầu, tức là phải có hơn 50% cử tri cả nước và đa số cử tri ở ít nhất 4 trong số 6 bang ủng hộ sửa đổi.


Thổ dân, chiếm khoảng 3,2% trong tổng số 26 triệu dân Australia, bị phớt lờ trong hầu hết các vấn đề kinh tế xã hội và không được đề cập trong Hiến pháp. Họ không được cấp quyền biểu quyết đầy đủ cho đến những năm 1960./.
 

Thoibaovietuc.com/Nguồn vnanet.vn

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage