Australia khuyến khích cải thiện hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt và tái chế

Thứ Ba, 20/05/2025

3:08 pm(VN)

-

6:08 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Australia khuyến khích cải thiện hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt và tái chế

18/06/2023

Theo trang mạng abc.net.au, trong khi lượng rác thải ở Australia ngày một tăng lên, ngành tái chế nước này lại đang tụt hậu so với một số quốc gia khác. Trong những năm gần đây, một lượng lớn rác thải có thể tái chế ở Australia - đặc biệt là nhựa - đã bị chôn vùi, đổ đống hoặc được chuyển ra nước ngoài.

Theo Tiến sĩ Stephen Jones tại Trường kinh doanh thuộc Đại học Queensland, người dân Australia "rất quan tâm đến việc tái chế rác thải", nhưng toàn bộ hệ thống quản lý chất thải của Australia lại đang hoạt động một cách rất “thụ động”. Vậy quá trình xử lý rác thải của Australia đã diễn ra thế nào và Australia có thể học được những gì từ các quốc gia khác?

* Rác thải ở Australia

Trong lịch sử, Australia phụ thuộc vào việc xử lý chất thải bằng cách chôn lấp. Là một quốc gia rộng lớn, điều này thật dễ dàng đối với Australia. Sau đó, đến đầu những năm 1990, chính phủ liên bang Australia đã nỗ lực một cách nghiêm túc trong việc giảm thiểu các bãi chôn lấp rác, nhờ “cảm hứng” từ động thái tương tự ở các nước châu Âu.

Tiến sĩ Jones cho biết: "Chính phủ Thủ tướng Bob Hawke và Paul Keating đã đưa ra những ý tưởng đầu tiên về tái chế. Đây là thời điểm ‘dịch vụ thu gom rác tái chế ngoài lề đường’ lần đầu tiên xuất hiện ở Australia”.

Vào năm 2000, chính phủ liên bang và các bang/vùng lãnh thổ cùng với các ngành công nghiệp bao bì đã đạt được một thỏa thuận về quy định đóng gói hàng hóa, có tên là “Australia Packaging Covenant” (APC). Thỏa thuận này đã đặt ra các mục tiêu cụ thể cho các công ty trong việc tăng cường tái chế các loại rác thải từ việc đóng gói hay đựng hàng hóa.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Jones chỉ ra rằng việc đăng ký tham gia APC “luôn mang tính tự nguyện” vì vậy không có sự ép buộc đối với các công ty trong lĩnh vực bao bì đóng gói khác. Và không có nỗ lực thực sự nghiêm túc nào trong việc xây dựng một hệ thống đo lường minh bạch về những gì thỏa thuận thực sự đã đạt được trong khuyến khích các công ty lĩnh vực này quan tâm nhiều hơn.

Trong nhiều năm, Australia đã chuyển một lượng lớn rác thải tái chế ra nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, đến năm 2018, Trung Quốc ngừng tiếp nhận hàng loạt rác thải, gây gián đoạn cho ngành công nghiệp tái chế tại đây. Vào năm 2020, Australia cũng đưa ra lệnh cấp xuất khẩu rác thải theo từng giai đoạn. Sau đó, năm 2022, công ty tái chế trong nước của Australia là REDcycle đã bị phá sản.

Tháng trước, Bộ trưởng Môi trường và Nước Australia, bà Tanya Plibersek, đã phê duyệt cấp phép ngoại lệ cho một số loại chất thải nhựa được chuyển ra nước ngoài một lần nữa.

Tiến sĩ Jones nhận xét, trong những thập kỷ gần đây, Australia đã phát triển một hệ thống tái chế theo cách chắp vá và thiếu sự phối hợp. Ông cho rằng Australia đã làm tương đối tốt trong việc tái chế một số vật liệu hữu dụng như thép, giấy, vật liệu xây dựng và nhôm, nhưng chưa có biện pháp hiệu quả trong việc tái chế các vật liệu vốn khó tái chế như nhựa - những thứ cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe con người và tính bền vững của môi trường.

Trong khi đó, Báo cáo Rác thải quốc gia năm 2022 của Australia cho thấy tổng lượng rác thải được chôn lấp ở nước này đã tăng 3% kể từ những năm 2016-2017.

* Cách tiếp cận của Đức

Đức có một cách tiếp cận khác đối với rác thải và tái chế. Vào đầu những năm 1990, thời kỳ Đức mới thống nhất, nước này đã ban hành các quy tắc về xử lý và tái chế chất thải. Tiến sĩ Gert Morscheck, chuyên gia về quản lý chất thải tại Đại học Rostock (Đức), lý giải: “Điều quan trọng là các nhà sản xuất vật liệu đóng gói phải tham gia vào một hệ thống được gọi là trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất sau khi tạo ra một sản phẩm cũng phải chịu trách nhiệm, hoặc trả chi phí, cho việc tái chế hoặc quản lý chất thải từ sản phẩm đó sau khi chúng được tiêu thụ”.

Ông Morscheck cho rằng các nhà sản xuất phải đưa ra một hệ thống thu gom rác đến các thành phố, nơi người tiêu dùng có thể bỏ các loại rác tái chế vào thùng rác. Sau đó, các nhà sản xuất cần phải thuê một công ty quản lý chất thải để thu gom, vận chuyển và tái chế. Tiến sĩ cho rằng người tiêu dùng có thể chịu chi phí trên, nhưng ở mức độ rất nhỏ. Ví dụ, một chai dầu gội có thể đắt hơn một vài xu.

Ông Peter Börkey, Quản trị viên của Bộ phận Môi trường thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cho biết các công ty của Đức ban đầu phản đối, nhưng sau đó đã bắt đầu chấp nhận và ủng hộ hệ thống này. Ông cho biết: “Các doanh nghiệp nhận thấy tồn tại rủi ro lớn về uy tín nếu họ sử dụng nhựa, và các sản phẩm từ nhựa này sẽ làm nguy hại đến các loài động vật ở đại dương và tràn vào các bãi biển trên khắp thế giới. Điều này rất tồi tệ đối với thương hiệu của họ”.

Và đây là một hệ thống đã giúp Đức đạt được thành công trong việc tái chế. Tiến sĩ Morscheck cho rằng vào năm 1990, nước này gần như "không tái chế" cái gì. Hiện nay, ông cho biết khoảng từ 60-70% rác thải sinh hoạt ở nước này được tái chế. Và phần còn lại (khoảng 30%) được xử lý và sau đó được chôn lấp.

Miêu tả về cách thức tái chế của gia đình mình ở thành phố Rostock của Đức, Tiến sĩ Morscheck cho biết có một thùng rác màu vàng chuyên để đựng các loại hộp, bao bì nhựa và kim loại, một thùng màu xanh lam để đựng giấy, một thùng màu nâu để đựng chất thải hữu cơ và một thùng còn lại dành cho những thứ không thể tái chế. Đối với việc tái chế thủy tinh, ông có thể đi đến các siêu thị hoặc các cơ sở khác, nơi các sản phẩm làm từ thủy tinh màu nâu, trong suốt hoặc xanh lục được phân loại và bỏ vào các thùng khác nhau.

Cũng có các cơ sở tái chế pin và hàng dệt may ở các khu vực quanh đó. Ông cho biết: "Tại thành phố Rostock, nơi có 210.000 dân sinh sống, chúng tôi có 5 bãi tái chế. Đây là những địa điểm có rất nhiều thùng chứa rác... nơi bạn có thể mang rác vườn, rác xây dựng đến. Nếu bạn có tủ lạnh cũ hoặc rác điện tử, bạn cũng có thể mang đến đó”.

* Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về quản lý chất thải, trong đó Chỉ số tương lai xanh năm 2022 của MIT Technology Review, một trong những tạp chí công nghệ lâu đời nhất ở Mỹ, đánh giá “đây là một trong những nền kinh tế tái chế tốt nhất thế giới".

Hàn Quốc cũng có một hệ thống trách nhiệm mở rộng đối với các nhà sản xuất, tương tự như ở Đức. Và nước này cũng thực hiện chính sách “chi trả thêm dựa trên khối lượng”, có nghĩa là các hộ gia đình phải trả tiền cho các loại rác thải không thể tái chế.

Yong-Chil Seo, Giáo sư tại Khoa kỹ thuật môi trường tại Đại học Yonsei (Hàn Quốc) cho biết: "Mỗi hộ gia đình đều có thùng rác riêng trước căn hộ của mình. Vì vậy, chúng tôi phân loại các loại rác có thể tái chế như kim loại, nhựa và giấy. Sau đó, những thứ rác thải còn lại không thể cho vào thùng tái chế sẽ được tính vào ‘chi phí trả thêm cho khối lượng’”. Ông cho rằng hệ thống trên đang phát huy hiệu quả. Trước năm 1985, tỷ lệ rác thải tái chế của Hàn Quốc là dưới 10%... Từ năm 2010, tỷ lệ tái chế  đạt gần 60%.

* Australia có thể học được bài học gì?

Ông Peter Börkey cho rằng: “Chắc chắn mọi người đang muốn khuyến khích phát triển các hệ thống nâng cao trách nhiệm mở rộng đối với các nhà sản xuất. Điều lý tưởng nhất là cần phải hài hòa giữa quy định của các bang và các văn bản hướng dẫn của chính phủ liên bang”.

Ông Peter tin rằng Australia nên trang bị nhiều phương pháp dự phòng hơn so với việc đưa rác thải đến các bãi chôn lấp hoặc đốt rác, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích hơn nữa để thúc đẩy hoạt động tái chế và hạn chế rác thải.

Ông dẫn chứng về một hệ thống “trả phí khi xả rác”, trong đó mọi người có thể bị tính phí dựa trên lượng rác thải ra, đây là "một cách để ngăn chặn rác thải" ngay từ đầu.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Bộ Biến đổi khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Nước Australia cho biết Australia đang áp dụng một số “chương trình kiểm soát sản phẩm tiêu dùng”, trong đó trách nhiệm của một sản phẩm cần phải được chia sẻ trong toàn bộ chuỗi cung ứng (bao gồm cả các nhà sản xuất).

Người phát ngôn trên cho rằng Australia hiện đã có các chương trình kiểm soát các loại rác thải như dầu thải, tivi và máy tính.  Chính phủ Australia đang nghiên cứu các chương trình kiểm soát các sản phẩm như tấm pin năng lượng Mặt Trời, rác thải điện tử trong các hộ gia dụng và các sản phẩm đựng và đóng gói". Đồng thời, ông cũng cho biết thêm rằng các chính quyền địa phương sẽ phụ trách việc quản lý chất thải, bao gồm thu gom và thực hiện các sáng kiến như “trả tiền khi bạn xả rác” tại khu vực đó. Gần đây, có những dấu hiệu cho thấy Australia đang hành động nhiều hơn đối với vấn đề này.

Đầu tháng 6/2023, chính phủ liên bang đã tuyên bố các nhà bán lẻ thời trang lớn ở Australia có thể phải đối mặt với một khoản thuế chất thải bắt buộc, sau khi nhiều nhà bán lẻ không tham gia các chương trình tự nguyện.

Hồi tuần trước, các bộ trưởng môi trường liên bang và bang đã đồng ý xây dựng các quy định mới về quản lý chất thải, trong đó đặt ra nghĩa vụ trong việc thiết kế các sản phẩm dùng để đựng (bao bì, chai nhựa...) mang tính bắt buộc.

Tiến sĩ Jones đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy chính phủ liên bang và các bang/vùng lãnh thổ ngày càng nghiêm túc hơn trong việc đáp ứng nguyện vọng của công chúng và hành động mạnh mẽ hơn đối với rác thải nhựa. Ông cho rằng xuất hiện những dấu hiệu đầy hứa hẹn, trong đó có sự chuyển đổi sang các mục tiêu mang tính ràng buộc và nhấn mạnh vào việc các nhà sản xuất cần phải kiểm soát các sản phẩm bao bì hàng hóa mà họ sản xuất ra. Tuy nhiên, ông cho rằng, cũng như việc phát triển các chính sách, giai đoạn triển khai ban đầu sẽ phải đối mặt với những thách thức có thể xuất hiện./.

Thoibaovietuc.com/Nguồn TTXVN

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage