Australia hiện đại hóa chương trình phát triển quốc tế

Thứ Ba, 20/05/2025

10:21 pm(VN)

-

1:21 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Australia hiện đại hóa chương trình phát triển quốc tế

08/05/2023

Theo trang mạng của Viện Lowy, Chính phủ Australia mới đây đã đưa ra một chính sách phát triển quốc tế mới và xem xét việc sử dụng các công cụ tài chính ngoài các khoản viện trợ truyền thống.

Ngân sách Liên bang tiếp theo, dự kiến được thông qua vào ngày 9/5 tới, sẽ là thời điểm quan trọng để chứng minh chương trình nghị sự phát triển nói trên. Trong một thế giới đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, có những lý do chính sách mạnh mẽ để Australia không chỉ xây dựng lại mà còn mở rộng và hiện đại hóa chương trình phát triển của mình.

Hiện nay, nhu cầu rõ ràng là rất cao. COVID-19, xung đột và khí hậu đã kết hợp lại thành những gì mà Ngân hàng Thế giới (WB) mô tả là một cuộc khủng hoảng phát triển. Tốc độ giảm nghèo đã chậm lại đáng kể, tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ) ngày càng xa tầm với, trong khi cái giá phải trả cho sự nóng lên toàn cầu tiếp tục gia tăng.

Vấn đề địa chiến lược cũng có liên quan. Hỗ trợ phát triển có vai trò trong cuộc cạnh tranh ngày càng tăng để giành ảnh hưởng với Trung Quốc. Australia nên chứng minh rằng trật tự quốc tế tự do mà Australia và các chính phủ phương Tây khác duy trì đang phục vụ lợi ích của phần lớn nhân loại trong thế giới mới nổi và đang phát triển. Điều đó có nghĩa là cần đầu tư vào phát triển toàn cầu.

Câu hỏi cơ bản nhưng vẫn quan trọng nhất đối với ngân sách sắp tới của Chính phủ Liên bang Australia là liệu Công đảng có tăng mức Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) chung của Australia hay không, đặc biệt như một phần trong Tổng thu nhập quốc dân (GNI). Đương nhiên, số lượng không phải là tất cả, song điều đáng nói là quy mô hiện tại của chương trình viện trợ của Australia đơn giản là thiếu uy tín.

Australia có một trong những tỷ lệ ODA trên GNI thấp nhất trên thế giới, chỉ 0,19% năm 2022, nghĩa là nước này chỉ dành 20 xu AUD cho ODA trên mỗi 100 AUD, xếp thứ 27 trong số 30 quốc gia giàu có đã báo cáo với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Australia cũng là một trong những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, khiến con số viện trợ thấp thậm chí còn vượt xa tiêu chuẩn quốc tế. Các quốc gia giàu có hơn có xu hướng dành một phần lớn hơn thu nhập quốc dân của họ cho hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, Australia là một ngoại lệ. Đối với một quốc gia giàu có như Australia, tiêu chuẩn quốc tế sẽ là cung cấp khoảng 0,55% GNI dưới dạng ODA. Ở mức 0,19% hiện tại, Australia chỉ cung cấp khoảng 1/3 viện trợ mà lẽ ra phải có.            

Chính phủ Australia hiện có kế hoạch công bố “gói hỗ trợ trên phạm vi rộng ở Thái Bình Dương, bao gồm hỗ trợ về môi trường, quân sự và kinh tế” như một phần của ngân sách được công bố ngày 9/5. Điều này rõ ràng sẽ liên quan đến một vài trăm triệu AUD chi tiêu bổ sung, có lẽ tổng cộng là 1 tỷ AUD trong vài năm tới. Tuy nhiên, báo cáo tương tự cũng cho thấy gói này sẽ không nhất thiết kéo theo sự gia tăng lớn trong chi tiêu viện trợ. 

Bất kể gói viện trợ này được chứng minh là viện trợ bao nhiêu, thì nó cũng đặt ra một câu hỏi quan trọng khác, đó là liệu Công đảng có kế hoạch xây dựng lại chương trình phát triển của Australia ở bên ngoài Thái Bình Dương hay không. Thái Bình Dương đã nhận được khoảng 40% vốn ODA của Australia. Con số này có thể tăng lên.

Ngoài ra, Thái Bình Dương cũng đang nhận được vài tỷ AUD từ các khoản vay phát triển phi ODA - thông qua Quỹ tài trợ cơ sở hạ tầng Australia cho Thái Bình Dương (AIFFP) cũng như các khoản vay tài trợ ngân sách cho Papua New Guinea. Gộp tất cả lại, có thể nói Australia đang cực kỳ tập trung vào nỗ lực tài trợ phát triển ở Thái Bình Dương.            

Thái Bình Dương rõ ràng có tầm quan trọng chiến lược lớn đối với Australia. Khu vực này đang rất cần các nguồn tài chính khổng lồ. Tuy nhiên, Australia cũng có những lợi ích phát triển vượt ra ngoài Thái Bình Dương - đặc biệt là ở Đông Nam Á và rộng hơn là phát triển bền vững toàn cầu.

Các mối quan hệ kinh tế đang thay đổi ở Đông Nam Á có nghĩa là tầm quan trọng của Australia đối với khu vực đang suy giảm về mặt cấu trúc, ngay cả khi bản thân Đông Nam Á trở nên quan trọng hơn đối với Australia. Để phù hợp, Australia cần hiện đại hóa khả năng phát triển của mình thay vì chỉ xây dựng lại những cái cũ.             

Đây là nơi việc xem xét các công cụ tài chính ngoài viện trợ truyền thống có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Tại các nền kinh tế lớn mới nổi của Đông Nam Á, các hình thức tài chính phát triển phi viện trợ - bao gồm các khoản vay, bảo lãnh và tài trợ hỗn hợp để thúc đẩy đầu tư vào khu vực tư nhân - có tiềm năng lớn nhất để giúp Australia giành được ảnh hưởng, đặc biệt là trong việc thúc đẩy phát triển carbon thấp mà Đông Nam Á mong muốn.             

Hiện tại, chương trình phát triển của Australia đang đi ngược lại - cung cấp khoản vay hàng tỷ AUD cho các nền kinh tế mong manh ở Thái Bình Dương, những nền kinh tế có khả năng hạn chế trong việc trả nợ, đặc biệt là với lãi suất thị trường hiện cao hơn đáng kể so với trước đây.

Một câu hỏi quan trọng được đặt ra đối với ngân sách liên bang sắp tới là liệu AIFFP có cần thêm nhiều khoản tài trợ ODA nữa để duy trì các điều khoản tài chính tổng thể (kết hợp giữa các khoản vay và viện trợ không hoàn lại) với giá cả phải chăng cho các bên vay ở Thái Bình Dương, trong khi vẫn thực hiện được các mục tiêu của mình hay không?             

Mối quan tâm của Australia trong việc hỗ trợ sự phát triển toàn cầu rộng lớn hơn hiện đối mặt với một thách thức tương tự như ở Đông Nam Á - sự “lạc nhịp” giữa tầm quan trọng kinh tế hạn chế của Australia và lợi ích cơ bản của nước này trong việc thúc đẩy một thế giới ổn định, toàn diện và bền vững hơn. Tuy nhiên, giải pháp là khác nhau.

Ở cấp độ toàn cầu, Australia cần phải làm việc thông qua hệ thống đa phương. Tăng cường sự đóng góp và ảnh hưởng đa phương của Australia mang lại phương tiện hiệu quả nhất để mở rộng phạm vi phát triển và tác động của nó, và sẽ hỗ trợ một phần quan trọng của trật tự quốc tế hiện nay.             

Australia đang thực hiện hai ưu tiên đa phương trước mắt - Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Quỹ Khí hậu Xanh (GCF). Hiện các khoản đóng góp cho WFP của Australia vẫn thấp hơn nhiều so với mức đóng góp mà lẽ ra nước này phải thực hiện với tư cách là một công dân toàn cầu tốt.

Australia hiện đứng thứ 15 về đóng góp WFP trên cơ sở bình quân đầu người, mặc dù có thu nhập bình quân đầu người cao thứ 7 trong số các nhà tài trợ WFP. Trong khi đó, chính phủ trước đây của Australia đã rời GCF vào năm 2018. Việc tái tham gia GCF là rất quan trọng đối với thông tin về khí hậu toàn cầu của Australia. Nó cũng sẽ giúp ích cho Thái Bình Dương bởi có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy việc Australia rời khỏi GCF năm 2018 đã làm suy yếu khả năng tiếp cận quỹ của Thái Bình Dương.             

Australia sẽ cần phải làm rất nhiều việc để xây dựng lại và hiện đại hóa chương trình phát triển của nước này. Ngân sách sắp tới là một thời điểm quan trọng để không chỉ phác thảo một chiến lược mà còn thực hiện các bước đi cụ thể theo đúng hướng./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn TTXVN

 

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage