Australia đang "đánh bật" Trung Quốc khỏi Thái Bình Dương?

Thứ Bảy, 17/05/2025

6:32 am(VN)

-

9:32 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Australia đang "đánh bật" Trung Quốc khỏi Thái Bình Dương?

07/03/2023

Trang mạng aspistrategist.org.au mới đây đăng bài viết của hai tác giả Anthony Bergin và Jeffrey Wall đánh giá những tiến bộ trong chính sách của Australia, song cũng cảnh báo vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ từ các động thái của Trung Quốc gần đây. Nội dung như sau:
 

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực các đảo Thái Bình Dương chưa kết thúc, song đang có dấu hiệu chậm lại, đặc biệt là liên quan các vấn đề an ninh. Đã có tiến bộ trên thực tế trong việc chống lại cuộc chiến chính trị của Trung Quốc. Các quốc gia cùng chí hướng như Australia, Mỹ, Nhật Bản và Pháp đang hợp tác hiệu quả hơn để tạo ra môi trường cho khả năng phục hồi của các quốc đảo ở cấp độ vĩ mô. Hàn Quốc sẽ sớm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các đảo Thái Bình Dương lần đầu tiên. Fiji đã công nhận vai trò của Israel trong các hoạt động của quần đảo Thái Bình Dương liên quan lĩnh vực biến đổi khí hậu, nông nghiệp, y tế, giáo dục và khắc phục hậu quả thiên tai. Thủ tướng Narendra Modi sẽ thực hiện chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ tới Papua New Guinea vào cuối năm nay. Sự can dự của Ấn Độ với Thái Bình Dương có tiềm năng to lớn để chuyển đổi các nền kinh tế địa phương.
 

Một lĩnh vực cần theo dõi trong thời gian tới là những gì xảy ra ở các quốc đảo có thỏa thuận tự do liên kết với Mỹ (COFA). Năm 2023 sẽ diễn ra các cuộc bầu cử tại Quần đảo Marshall và Liên bang Micronesia; trong khi bầu cử tại Palau sẽ được tổ chức vào năm 2024. Nếu Mỹ và các đồng minh để một trong các quốc gia COFA bầu lên một chính phủ thân Trung Quốc, triển vọng khu vực sẽ thay đổi theo chiều hướng xấu hơn.
 

Hiện tại, bức tranh khu vực đang dường như tươi sáng hơn. Một năm trước, Vanuatu có vẻ như sẽ rơi vào tầm ảnh hưởng đáng kể của Trung Quốc. Một chính phủ mới ở Vanuatu đã thay đổi điều này, bằng chứng là chuyến thăm thành công của tân Thủ tướng Ishmael Kalsakau tới Canberra. Australia và Vanuatu đã ký kết thỏa thuận an ninh cũng như cam kết xây dựng các quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, đó không phải là lý do để thỏa mãn: Tháng 2 vừa qua, Vanuatu đã không cấp phép kịp thời cho một tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ triển khai theo thỏa thuận chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trong khu vực.
 

Trong những năm gần đây, có những lo ngại rằng Fiji đang có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, gây bất lợi cho các đối tác truyền thống Australia và New Zealand. Nhưng một cuộc tổng tuyển cử và thay đổi chính phủ đã làm thay đổi đáng kể. Tân Thủ tướng Fiji Sitiveni Rabuka đã vận động công khai chống lại sự can dự của Trung Quốc. Hiện ông Rabuka đã bắt đầu thực hiện cam kết: một chuyến thăm tới Canberra và một thỏa thuận an ninh đã được lên kế hoạch. Và Australia có thể tăng cường đầu tư vào quốc đảo này thời gian tới.
 

Trung Quốc đã phạm một số sai lầm ngoại giao nghiêm trọng cho thấy sự thiếu kinh nghiệm ở Thái Bình Dương. Nỗ lực thực hiện chính sách “chia để trị” trong Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương đã phản tác dụng. Trung Quốc muốn phần lớn các quốc đảo ký kết một thỏa thuận an ninh. Ban đầu, Kiribati rơi vào tình thế khó khăn và tách khỏi diễn đàn. Nhưng một số hoạt động ngoại giao khu vực khéo léo, trong đó có Ngoại trưởng Australia Penny Wong, đã giúp Kiribati trở lại với tổ chức khu vực. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Wong tới Kiribati hồi tuần trước và việc bà tham dự cuộc họp dành cho các nhà lãnh đạo của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương ở Fiji đã củng cố quan hệ và sự ủng hộ của Australia đối với diễn đàn này. Trong chuyến thăm Kiribati lần đầu tiên trên cương vị ngoại trưởng, bà Wong đã ký một biên bản ghi nhớ về các ưu tiên chung và cam kết xây dựng quan hệ đối tác chiến lược song phương toàn diện mới.
 

Có lẽ trở ngại lớn nhất đối với Trung Quốc là khi Papua New Guinea cam kết thực hiện một thỏa thuận quốc phòng và an ninh toàn diện với Australia. Chuyến thăm rất thành công tới Papua New Guinea hồi tháng 1 vừa qua của Thủ tướng Anthony Albanese, với sự tham gia của Ngoai trưởng Wong, đã mang lại kết quả tốt cho Australia. Ngoại trưởng Papua New Guinea đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa Australia và Papua New Guinea trở nên gần gũi như trước kia. Hai nước đã cam kết tăng cường sự tham gia của Papua New Guinea vào Chương trình Dịch chuyển Lao động Thái Bình Dương của Australia và mở rộng cơ hội theo chương trình này cho người lao động Papua New Guinea tại Australia. Hai bên đã đồng ý thành lập một nhóm công tác chung cấp bộ về chủ đề nhạy cảm là an ninh nội địa.
 

Quốc đảo duy nhất mà Trung Quốc duy trì được thành công thực sự và ngày càng tăng là Quần đảo Solomon. Tháng trước, Thủ tướng có tư tưởng chống Trung Quốc của Solomon, Daniel Suidani, bị lật đổ và thay thế bằng một nhân vật thân Trung Quốc. Điều này giúp loại bỏ một trong những trở ngại lớn nhất của Bắc Kinh. Một trong những hành động đầu tiên của chính quyền hành pháp mới của Solomon là bỏ quy định cấm cấp giấy phép kinh doanh cho các nhà đầu tư có liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
 

Điều đáng lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc là sự thống trị về kinh tế và thương mại của Bắc Kinh trong các lĩnh vực quan trọng ở một số quốc đảo, đáng chú ý nhất là Papua New Guinea. Trung Quốc có quyền kiểm soát tuyệt đối đối với xuất khẩu gỗ tròn của Papua New Guinea. Trung Quốc chiếm ưu thế khi nhập khẩu thủy sản và chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong nhập khẩu nông sản xuất khẩu của Papua New Guinea. Trung Quốc hiện chiếm ưu thế trong nhập khẩu thủy sản từ nhiều quốc đảo.
 

Ngoại giao khu vực của Australia trong những tháng gần đây đã mang lại một số kết quả khả quan. Nhưng Trung Quốc đã không từ bỏ chiến dịch tăng cường ảnh hưởng trong khu vực. Tuần trước, Bắc Kinh đã bổ nhiệm cựu Đại sứ Trung Quốc tại Fiji Qian Bo làm đặc phái viên đầu tiên của chính phủ Trung Quốc tại các đảo Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng mở một trung tâm mới để quản lý thiên tai ở Thái Bình Dương.
 

Trong tương lai, Australia nên áp dụng lời khuyên của chuyên gia an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Rory Medcalf để đảm nhận vai trò “điều phối viên không chính thức cho các quốc gia khác, khuyến khích họ đầu tư hiệu quả, lâu dài và phù hợp với mong muốn của các cộng đồng Thái Bình Dương”. Trọng tâm của Canberra cũng cần tập trung vào tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại. Một cửa sổ cơ hội đã mở ra. Australia phải tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư  trên toàn khu vực để chống lại ảnh hưởng của các tác nhân xấu./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn aspistrategist.org.au

 

 

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage